Cấp thiết xây cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu | Trảng Bom Land

22/12/2021 ( 0) Nhận xét

 

Lưu lượng xe tăng gấp 3 lần công suất thiết kế gây quá tải QL51, việc đầu tư cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu để “chia lửa” đang rất cấp bách.

LTS: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn xác định phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại để tạo nền móng cho phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Tuy nhiên, với nguồn lực hạn chế, thực tế đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng kinh tế Đông Nam Bộ vẫn chưa được như kỳ vọng, chưa đáp ứng được đòi hỏi phát triển.

Tới đây, thực hiện các quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ có sự đầu tư đột phá về hạ tầng giao thông, từ đó tạo cơ hội, động lực phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ. Báo Giao thông xin giới thiệu tới độc giả loạt bài cho thấy sự cần thiết đầu tư lớn cho hạ tầng thúc đẩy vùng kinh tế TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngày 22/12, Báo Giao thông sẽ tổ chức tọa đàm về chủ đề này tại 35 Hàn Thuyên, TP.HCM với sự tham gia của đại diện các địa phương, cơ quan quản lý, nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế. Kính mời độc giả quan tâm theo dõi.

Vì sao cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu trở nên cấp thiết?

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, có rất nhiều cảng biển, khu công nghiệp nên hoạt động logistics phát triển mạnh mẽ.

Theo số liệu thống kê của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, trong vòng 3 năm trở lại đây, số lượng tàu trọng tải lớn cũng như lượng hàng hóa vào khu vực các cảng Cái Mép - Thị Vải liên tục tăng cao.

Cụ thể, năm 2019, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có tổng sản lượng hàng hóa thông qua đạt 2.879.230 TEU, năm 2020 là 3.640.334 TEU và 8 tháng đầu năm 2021 là 2.952.673 TEU.

Tổng lượt tàu vào cụm cảng Cái Mép năm 2019 là 1.312 tàu, 2020 là 1.309 tàu, 8 tháng đầu năm 2021 là 889 tàu. Tất cả lượng hàng hoá này phải thông qua một tuyến đường bộ độc đạo là QL51.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được xác định là cửa ngõ vươn ra biển lớn của khu vực Đông Nam Bộ và của Việt Nam. Ngành giao thông đã có các quy hoạch để phát huy thế mạnh các cảng biển khu vực này.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã thống nhất với đề xuất của Bộ GTVT, ưu tiên nạo vét tuyến luồng từ phao số “0” đến khu bến container Cái Mép đạt độ sâu đến -15,5m cho tàu lớn ra vào thuận tiện.

Chắc chắn rằng lượng hàng hoá từ các tỉnh Đông Nam Bộ đổ về hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới.

Và tất nhiên, tuyến QL51 không thể tiếp tục oằn mình để “cõng” lượng hàng tăng lên mỗi năm, đòi hỏi phải có một tuyến cao tốc để kết nối.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó chủ tịch Hội xuất nhập khẩu Đồng Nai, cho rằng cao tốc Bến Lức - Long Thành đang xây dựng nhưng phải gấp rút làm thêm cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu mới chia lửa được cho QL51.

“Giao thông liên vùng thuận lợi thì lưu thông hàng hoá xuất nhập khẩu tốt. Tôi tin doanh nghiệp vận tải, logistics lựa chọn đi cao tốc, chia sẻ trả phí đường bộ để hàng được vận chuyển nhanh hơn”, ông Tuấn phân tích.

Đồng quan điểm ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho hay, tình trạng kẹt xe kéo dài tại nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang là vấn đề đau đầu với chính quyền địa phương. Những ngày cuối tuần, nghỉ lễ, Tết chỉ cần xảy ra một sự cố trên cao tốc hoặc trên QL51 sẽ gây kẹt xe kéo dài nhiều kilomet.

Vừa qua UBND huyện đã có văn bản đề xuất Ban ATGT tỉnh điều chỉnh lại thời gian lưu thông tại các nút giao thông (từ 2 số lên 3 số) cho phù hợp để tăng năng lực thoát xe. Tuy vậy, đó chỉ là những giải pháp tình thế, ngắn hạn.

“Cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu đã được đề xuất lập dự án nhiều năm trước, chỉ khi đưa vào khai thác được tuyến đường này mới giải quyết căn cơ tình trạng kẹt xe, giảm TNGT trên QL51”, ông Tiếp nhấn mạnh.

Nguồn vốn nào làm cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Võ Tấn Đức - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, trước đây dự kiến cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu được đề xuất làm bằng nguồn vốn PPP (hình thức BOT). Tuy nhiên, do chưa tìm được nhà đầu tư nên chưa thể triển khai.

“Vừa qua Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ ưu tiên đầu tư tuyến cao tốc này cho các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sử dụng vốn phục hồi sau dịch Covid-19. Nếu được Uỷ ban Thường vụ quốc hội thông qua, địa phương sẽ quyết liệt trong công tác GPMB cho dự án”, ông Đức khẳng định.


Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết cũng đang phối hợp với TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu xúc tiến đầu tư các dự án khác.

Riêng tuyến đường Vành đai 3, vừa qua TP.HCM, Đồng Nai và các tỉnh thống nhất đề xuất Trung ương thực hiện công tác GPMB. Địa phương hỗ trợ vốn xây lắp hoặc nguồn vốn khác như đấu giá khai thác quỹ đất.

“Hiện nay do nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, tỉnh Đồng Nai đang xin cơ chế đấu giá đất để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình giao thông”, ông Đức cho hay.

Nhận xét

Đăng nhận xét

Icon-Zalo Zalo Icon-Messager Messenger Icon-Youtube Youtube Icon-Instagram Tiktok