Thẩm định dự án đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú theo phương thức đối tác công tư

14/12/2021 ( 0) Nhận xét

 


Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú là dự án thành phần nằm trong tổng thể tuyến đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng liên kết với các tỉnh Đông Nam Bộ; là khu vực thí điểm xây dựng ngành nông nghiệp Việt Nam với mục tiêu đi sâu vào sản phẩm sau chế biến có giá trị cao và tăng khả năng hội nhập quốc tế của ngành.

Ngày 21/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 975/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có các văn bản gửi kèm hồ sơ Dự án và dự thảo Kế hoạch thẩm định xin ý kiến các cơ quan liên quan và các thành viên Hội đồng.

Dự án này đi qua huyện Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc, Tân Phú, tỉnh Đồng Nai với tổng chiều dài khoảng 60,1 km; phân kỳ giai đoạn 1: quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư dự kiến 8.365,651 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Nhà nước khoảng 15,54% tổng mức đầu tư, vốn nhà đầu tư huy động chiếm 84,46%; thời gian thực hiện dự án là từ năm 2022-2025.

Mục tiêu của Dự án là nâng cao khả năng kết nối, rút gọn thời gian vận chuyển giữa tỉnh Đồng Nai với mạng lưới giao thông trong khu vực và hệ thống đường giao thông quốc gia, phát huy tối đa vai trò hiệu quả của các dự án trong khu vực đã và đang triển khai; đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Đồng Nai nói riêng và khu vực Đông Nam Bộ nói chung; bảo đảm an ninh quốc phòng…

Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư Tăng Ngọc Tráng cho biết, hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án sau khi cập nhật, bổ sung có đủ thành phần theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Nội dung thẩm định của hồ sơ gồm: sự phù hợp với điều kiện lựa chọn dự án để đầu tư theo phương thức đối tác PPP quy định tại khoản 1, Điều 44 của Luật PPP; trong đó, có sự cần thiết đầu tư, lĩnh vực quy định, quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu quy định tại khoản 2, Điều 44 Luật PPP, lợi thế so sánh với các hình thức đầu tư khác, khả năng bố trí vốn nhà nước trong trường hợp có nhu cầu sử dụng vốn nhà nước.

Sự phù hợp với căn cứ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi quy định tại khoản 2, Điều 44 Luật PPP, gồm: sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, sự phù hợp của dự án với quy định của Luật PPP, quy định của pháp luật có liên quan đến lĩnh vực đầu tư của dự án; hiệu quả đầu tư, khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư; sự phù hợp khi áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu đối với dự án; nguồn vốn và khả năng cân đối đối với dự án PPP có sử dụng vốn nhà nước; sự phù hợp của loại hợp đồng dự án PPP; hình thức lựa chọn nhà đầu tư;…

 

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, các vấn đề liên quan đến sự phù hợp với điều kiện lựa chọn dự án đầu tư theo phương thức PPP; sự phù hợp của dự án với các quy hoạch; phân chia giai đoạn đầu tư; cơ chế chia sẻ doanh thu… cũng đã được Bộ Giao thông vận tải làm rõ.

Theo đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị Bộ Giao thông Vận tải rà soát, hoàn thiện hồ sơ trình theo quy định, đặc biệt là theo quy định tại Luật PPP, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP, đây là điều kiện tiên quyết bắt buộc phải làm.

Đối với báo cáo, đề nghị làm rõ thêm các nội dung liên quan đến tổng mức đầu tư và phân kỳ dự án; phân tích rõ lý do lựa chọn đầu tư theo PPP; đánh giá thêm hiệu quả đầu tư và khả năng thu hồi vốn; chia sẻ doanh thu; các nội dung kịch bản cho giai đoạn hoàn chỉnh; Về các điều kiện sẵn sàng chuẩn bị đầu tư, trong đó có liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng…

Nhận xét

Đăng nhận xét

Icon-Zalo Zalo Icon-Messager Messenger Icon-Youtube Youtube Icon-Instagram Tiktok