DỰ ÁN BOT DẦU GIÂY – TÂN PHÚ, ĐỀ XUẤT CHIA SẺ DOANH THU VỚI NHÀ ĐẦU TƯ

08/02/2022 (0) Nhận xét

 


Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ký văn bản trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc  Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP (hợp đồng BOT) để tìm nhà đầu tư khởi công xây dựng trong năm 2023.

Theo tờ trình của dự án, đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn 1) có tổng chiều dài khoảng 60,1 km. Trong đó, điểm đầu tại Km0+000, giao với QL.1 tại Km1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây ( thuộc địa phận xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai); điểm cuối tại Km60+100 (qua vị trí giao cắt với QL.20 tại Km69+400), thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai (kết nối với dự án đường 8 cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc). Tuyến đi qua các huyện Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc và Tân Phú thuộc tỉnh Đồng Nai.

Đây là dự án thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy mô 4 làn xe, chủ yếu nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nên sẽ do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư.

Việc đầu tư dự án đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú là dự án thành phần nằm trong tổng thể tuyến đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương có ý nghĩa quan trọng liên kết các tỉnh Đông Nam bộ với khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là Đồng Nai với tỉnh Lâm Đồng nhằm thúc đẩy hơn liên kết vùng.

Vẫn theo Bộ GTVT, dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú nằm trên hành lang vận tải TPHCM – Lâm Đồng có nhu cầu vận tải cao, kết quả dự báo lưu lượng và tính toán sơ bộ phương án tài chính cho thấy dự án có tính khả thi về tài chính, có khả năng thu hút và hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân tham gia thực hiện dự án. Do đó, việc nghiên cứu đầu tư dự án theo phương thức PPP sẽ huy động được nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, giảm áp lực lên ngân sách nhà nước trong kế hoạch trung hạn 2021-2025.

Sơ bộ tính toán nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng khoảng 311,69 ha, trong đó huyện Thống Nhất là 78,35 ha; huyện Định Quán là 127,44 ha; huyện Xuân Lộc là 9,9 ha; huyện Tân Phú là 96 ha. Diện tích đất có rừng khoảng 27,91 ha. Tổng mức đầu tư dự án ban đầu là 8.365,651 tỉ đồng, gồm vốn nhà nước hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025: 1.300 tỉ đồng. Vốn nhà đầu tư huy động (nguồn vốn đầu tư BOT): 7.065,651 tỉ đồng (Vốn chủ sở hữu: 1.413,130 tỉ đồng (chiếm 20% nguồn vốn đầu tư BOT). Vốn vay thương mại: 5.652,521 tỉ đồng (chiếm 80% nguồn vốn)).

Tại tờ trình cũng xác định mức giá dịch vụ theo nguyên tắc xác định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư, người sử dụng và Nhà nước. Mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ dự kiến từ 1.700 đồng/xe nhóm 1 (xe 4 chỗ)/km 2024 trở đi và tăng dần theo các năm. Mức giá dịch vụ giữa các nhóm xe còn lại so với xe nhóm 1 được xác định theo hệ số cũng nhân hệ số tăng dần.

Sau khi khái toán và phân tích thì bên trình dự án dự kiến sẽ bắt đầu lựa chọn nhà đầu tư từ 2022 và bắt tay vào khởi công năm 2023, hoàn thành 2025 với hiệu quả tính toán dự kiến 20 năm 3 tháng nhà đầu tư sẽ thu hồi được vốn và chuyển giao lại cho cơ quan nhà nước quản lý.

Đây cũng sẽ là dự án được đề xuất áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng doanh thu. Khi doanh thu thực tế đạt cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần chênh lệch giữa doanh thu thực tế và mức 125% doanh thu trong phương án tài chính.

Còn khi doanh thu thực tế đạt thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần chênh lệch giữa mức 75% doanh thu trong phương án tài chính và doanh thu thực tế.

Nhận xét

Đăng nhận xét

Icon-Zalo Zalo Icon-Messager Messenger Icon-Youtube Youtube Icon-Instagram Tiktok