'Uy hiếp' nhiều công trình trong đó có cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết

14/03/2022 (0) Nhận xét

 

Giá xăng dầu liên tục tăng cao những ngày qua kéo theo giá cả của hầu hết các loại hàng hoá, đặc biệt là nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến, gây khó khăn lớn cho nhà thầu thi công các dự án hạ tầng giao thông. Loạt công trình trọng điểm ở các tỉnh phía Nam còn đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.

Càng làm càng lỗ…

Công ty Thành Hưng Phát là đơn vị đang thi công một số dự án giao thông vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Vừa trải qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh nghiệp (DN) tiếp tục đối mặt với giá vật liệu, xăng dầu liên tục tăng cao. “Thực hiện dự án, DN có thể chấp nhận lỗ, nhưng khó khăn hiện nay là không những giá vật liệu tăng cao, nguồn nhiên liệu còn thiếu, không đủ vận hành máy móc, thiết bị để thi công kịp tiến độ” – ông Nguyễn Văn Phương, giám đốc DN này chia sẻ.

Tháng 3 đang là cao điểm mùa khô. Những ngày qua, tại dự án cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết địa phận Bình Thuận (thuộc tuyến cao tốc Bắc- Nam), nhiều nhà thầu phải tổ chức thi công 3 ca để bù vào vào thời gian chậm tiến độ trước đây do phải thực hiện giãn cách xã hội vì dịch bệnh và thiếu vật liệu đắp nền đường. Các nhà thầu tăng cường thêm nhiều thiết bị cơ giới. Trên toàn tuyến hiện có 23 mũi thi công cả ngày lẫn đêm với trên 300 thiết bị cơ giới. Tuy nhiên, do xăng dầu tăng giá liên tục, nhiều thiết bị cơ giới vận hành cầm chừng, không hết công suất. Ông Nguyễn Công Hợp, Phó Trưởng phòng Quản lý dự án 2 thuộc Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải) – chủ đầu tư dự án thừa nhận xăng dầu tăng giá đang ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 11/3, đại diện một nhà thầu đang thi công cao tốc Bắc – Nam, đoạn Dầu Giây – Phan Thiết cho biết, xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, chiếm phần lớn chi phí ca máy. So với giá thời điểm bỏ thầu, hiện nay giá xăng, dầu đã tăng gấp đôi, kéo theo chi phí nhà thầu phải bỏ ra tăng từ 5 -10 tỷ đồng so với dự toán ban đầu. Không chỉ lo giá xăng, dầu tăng, hiện nay, các nhà thầu còn lo ngại giá biến động rất nhanh nên các cây xăng chỉ bán nhỏ giọt mỗi lần khoảng 1.000 – 2.000 lít, trong khi nhu cầu thi công thực tế lên tới khoảng 7.000 lít/ngày.

Ngoài ra, đại diện nhà thầu trên còn cho biết, thời điểm gói thầu mà đơn vị này tham gia đấu thầu (tháng 10/2020), giá thép tròn do Sở Xây dựng Bình Thuận công bố là 12.000 đồng/kg (chưa bao gồm thuế VAT). Chỉ 1 tháng sau, giá thép xây dựng đã tăng đột biến,đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại. Mức giá thép mà nhà thầu này đang phải mua là 18.000 đồng/kg (chưa bao gồm thuế VAT). “Nếu tính cả các chi phí phải bù đắp cho việc tăng giá cho các loại vật liệu khác, chúng tôi đang phải bù lỗ 190 tỷ đồng, tương ứng khoảng 18% giá trị hợp đồng” – đại diện nhà thầu trên nói và cho hay nhiều nhà thầu khác cũng đang lâm vào tình trạng tương tự.

Tại TPHCM, nhiều nhà thầu các dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện cấp phối đá dăm lo ngại vật liệu có nguồn gốc từ dầu mỏ là nhựa đường đang được dự báo sẽ tiếp tục tăng rất cao do ảnh hưởng của xung đột quân sự tại Ukraine. Đặc biệt, dự án trọng điểm quốc gia Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đang thi công hạng mục san lấp mặt bằng. Trước tình hình giá xăng dầu liên tục tăng cao, nhiều nhà thầu lâm vào tình cảnh khó khăn. Đại diện của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (chủ đầu tư) cho hay sẽ có báo cáo với Bộ GTVT để xin tháo gỡ khó khăn.

Đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu

Sở Công Thương TPHCM vừa có văn bản yêu cầu các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công Thương, đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trên thị trường. Các đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải chủ động làm việc với các đơn vị cung ứng, duy trì liên tục hoạt động kinh doanh xăng dầu, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết đã làm việc với Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ – đơn vị cung ứng xăng dầu lớn nhất tại khu vực Đông Nam bộ để bàn các giải pháp cung ứng xăng dầu đầy đủ cho thị trường, đảm bảo không ảnh hưởng đến nguồn cung ứng cho DN và người dân.

Sở Công Thương TPHCM vừa có văn bản yêu cầu các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công Thương, đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trên thị trường. Các đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải chủ động làm việc với các đơn vị cung ứng, duy trì liên tục hoạt động kinh doanh xăng dầu, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết đã làm việc với Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ – đơn vị cung ứng xăng dầu lớn nhất tại khu vực Đông Nam bộ để bàn các giải pháp cung ứng xăng dầu đầy đủ cho thị trường, đảm bảo không ảnh hưởng đến nguồn cung ứng cho DN và người dân.

Nhận xét

Đăng nhận xét

Icon-Zalo Zalo Icon-Messager Messenger Icon-Youtube Youtube Icon-Instagram Tiktok